Sự khác biệt giữa: Lễ Vu Quy, Lễ Tân Hôn, Lễ Đính Hôn, Lễ Thành Hôn và nghi thức đúng phong tục của người Việt Nam

Cưới hỏi là chuyện quan trọng của đời người, từ xưa đến nay trong đám cưới luôn có những nghi lễ với nhiều tên gọi khác nhau tùy theo vùng miền. Điều này làm cho nhiều bạn trẻ cảm thấy bối rối, chính vì vậy Lê Thanh Garden giúp bạn giải đáp những thắc mắc. Không chỉ vậy, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu những nghi thức cưới theo đúng phong tục của người Việt Nam. Cùng đọc bài viết để biết thêm thông tin nhé !

Ý nghĩa của các nghi lễ

1. Lễ Dạm Ngõ

     Lễ dạm ngõ còn có cái tên khác là lễ chạm ngõ. Đây là buổi gặp mặt sau khi hai bên đã đồng ý cưới gả con trai, con gái của mình và quyết định chọn ngày lành để chàng rể đến ngỏ lời xin phép được cưới cô dâu. Hay nói cách khác, đây là một buổi gặp mặt nghiêm túc của hai bên gia đình, để đôi trai gái bước đến một mối quan hệ lâu dài và nghiêm túc. 

2. Lễ Đính Hôn

    Lễ đính hôn còn có tên gọi khác là lễ ăn hỏi, ở miền nam được gọi là đám hỏi. Lễ đính hôn là sự gặp mặt giữa hai gia đình hứa hẹn cưới gả cho gặp đôi. Sau buổi lễ đính hôn chàng trai và cô gái xem như đã có hôn ước với nhau.

Trong buổi lễ, gia đình nhà trai sẽ mang lễ vật đính hôn đến nhà gái. Gia đình nhà gái nhận lễ này đồng nghĩa với việc chấp nhận chàng rể này.

Buổi lễ này sẽ diễn ra tại gia đình nhà gái, thời gian diễn ra sẽ trước lễ vu quy và thành hôn

3. Lễ Vu Quy

    Lễ vu quy chính là tên gọi dùng riêng cho gia đình nhà gái, đây là nghi lễ để báo với ông bà và quan khách trước khi đưa nàng dâu về nhà chồng. Tên của lễ vu quy sẽ được treo trước cổng rạp cưới tại gia đình nhà gái. Thời gian diễn ra lễ vu quy sẽ trước khi đưa nàng dâu về nhà chồng.

Khi kết thúc nghi lễ này nhà gái sẽ đãi tiệc chiêu đãi họ nhà gái và đại diện từ nhà trai. Sau đó cô dâu sẽ theo chú rể về nhà chồng và tiếp tục tiến hành lễ thành hôn/ tân hôn.

4. Lễ Tân Hôn

    Sau khi hoàn thành lễ vu quy, tiếp đến là lễ tân hôn khi nàng dâu về nhà chồng với mục đích là thông báo với ông bà, quan viên về việc nhận con dâu mới. Đây là buổi lễ được tổ chức tại gia đình nhà trai. 

5. Lễ Thành Hôn

     Nếu Tân Hôn chỉ các nghi lễ cưới tại nhà trai (miền Nam), Vu Quy chỉ nghi lễ cưới tại nhà gái thì Thành Hôn có ý nghĩa bao quát hơn. Nó dùng để chỉ buổi lễ và tiệc cưới phía nhà trai (miền Bắc) hoặc dùng cho tiệc cưới do cả hai nhà cùng tổ chức (thường được tổ chức tại nhà hàng khách sạn).

Những nghi thức lễ cơ bản cần phải có khi rước nàng về dinh

1. Xin Dâu

Trong nghi lễ rước dâu, việc đầu tiên là phải chuẩn bị để làm lễ xin dâu. Để xin dâu nhà trai sẽ chọn ngày lành tháng tốt để nhà trai đến nhà gái tiến hành lễ dạm hỏi. Sinh lễ khi ra đến ra mắt phải được tiến hành chu đáo và cẩn thận. Các mâm quả được đậy nắp cẩn thận và được phủ khăn đỏ bên ngoài. 

Bên phía nhà trai sẽ đại diện bưng khay rượu, trầu cau vào nhà dưới sự cho phép của nhà gái. Tiếp đến gia đình nhà trai sẽ trao tráp cho nhà gái, sau khi hoàn thành nghi lễ nhà trai sẽ đi trước và những cô gái bên nhà gái đỡ tráp và nối gót theo sau.

2. Ra mắt hai bên gia đình

Sau khi trao tráp sẽ tiếp đến là phần chào hỏi của hai gia đình và tuyên bố lý do để đón nàng dâu về nhà chồng. Phía gia đình sẽ chọn người đại diện trong nhà để giới thiệu về những người đang đến tham dự lễ đón dâu và mong muốn được đón nàng dâu về nhà chồng. Sau khi nhà trai phát biểu sẽ tiếp đến là gia đình nhà gái và đáp lại nguyện vọng của gia đình nhà trai.

3. Nhà gái nhận lễ vật từ nhà trai và trình lên bàn thờ Gia Tiên

Sau khi đã phát biểu tiếp đến là nghi thức mang lễ trình lên bàn thờ tổ tiên. Mâm trầu cau sẽ được đặt ở chính giữa bàn vì đây là lễ vật được mở ra đầu tiên. Đây là điều không thể mắc sai sót khi lễ vu quy được diễn ra vì như vậy sẽ làm mất đi vẻ nghiêm trang vốn có của buổi lễ.

4. Cô dâu ra mắt hai họ

Trong lễ vu quy thì lúc này cô dâu sẽ ngồi ở phòng và chuẩn bị cho buổi lễ rước dâu sắp diễn ra. Trước khi đón dâu về nhà thì cô dâu và chú rể phải cùng nhau thắp nén hương lên bàn thờ ông bà để tiến hành làm lễ gia tiên. Người thắp hương đầu tiên sẽ là chú rể, tiếp đến sẽ là cô dâu dâng hương lên bàn thời. Cuối cùng sẽ là tục đốt đèn long phụng. Cặp đèn này sẽ được nhà trai chuẩn bị và nhà gái sẽ chuẩn bị hai chân đèn,sau khi bố mẹ hai bên đã thắp hương xong, thì sẽ đến lượt hai bạn trẻ là nghi lễ khấn vái tổ tiên. Hiện nay nghi lễ này đã được đơn giản hơn.

5. Mời rượu, chè, trầu cau

Cô dâu và chú rể sẽ mời trầu cho gia đình hai bên. Với thứ tự được bắt đầu từ người chủ hôn tiếp đến là cha mẹ, ông bà, cô chú,… 

6. Trao nhẫn cưới

Nghi thức trao nhẫn cưới là nghi thức được mọi người mong chờ nhất. Hai người sẽ tiến hành trao nhẫn cho nhau dưới sự chứng kiến của quan viên hai họ. Đây là nghi thức vô cùng ý nghĩa, nó thể hiện sự gắn kết của hai người và cũng là minh chứng cho tình yêu. 

Đôi nhẫn cưới sẽ là do bên chú rể chuẩn bị và mang đến để trao cho nàng dâu, khi chú rể trao nhẫn cho cô dâu, thì cô dâu thực hiện nghi thức này với chú rể trước sự chứng kiến của mọi người. 

7. Nhận quà cưới và các lời chúc phúc

Tiếp đến là cô dâu và chú rể nhận những món quà từ gia đình hai bên. Mẹ chồng và mẹ ruột sẽ trao những món quà cho nàng dâu mới, quà này có thể là bông tai, dây chuyền, vòng cổ,… Sau đó sẽ là những món quà từ hai gia đình với ý nghĩa chúc phúc cho hai bạn cùng đôi lời dặn dò.

8. Trả lễ

Nghi thức trả lễ hay còn được gọi là lại quả, điều này có nghĩa là mâm sính lễ mang đến nhà gái sẽ được trả lại phân nửa. Khi tiến hành xếp mâm quả để trả lễ nhà trai cần lật ngược nắp lên nếu mâm quả có sử dụng nắp đậy hoặc lật ½ khăn lên nếu mâm quả được đậy bằng khăn đỏ. 

9. Rước dâu

Cuối cùng là tục lệ rước dâu, mẹ chồng sẽ là người dẫn nàng dâu ra xe hoa, bên cạnh sẽ là chú rể đi cùng. Khi nàng dâu bước lên xe hoa không được ngoái đầu nhìn lại vì mọi người nghĩ nó mang lại xui xẻo và không tốt lành.